Bóc vỏ thuốc “con nhộng”
Một số thuốc được bào chế dưới dạng viên con nhộng hay còn gọi là viên bao phim.
Tùy theo ý định của nhà sản xuất mà thuốc viên bao phim được bào chế có mục đích khác nhau. Một trong số các mục đích quan trọng nhất của viên bao phim là tránh không cho thuốc bị phân hủy bởi dịch dạ dày. Dịch dạ dày có nồng độ acid cao (độ pH thấp), là thứ có hoạt tính mạnh, rất dễ phân hủy các thuốc này, nhất là kháng sinh dòng beta lactam như penicillin, amoxillin… Do vậy, nếu vì một lý do nào đó bạn bóc lớp vỏ phim này ra để lấy bột thuốc bên trong hòa tan cho dễ uống có thể làm dịch dạ dày phân hủy thuốc thành thứ không còn tác dụng nữa và mục đích chữa bệnh không đạt được.
Vì vậy, với những viên bao phim không nên bóc lớp vỏ phim ra để lấy thuốc bên trong. Nếu viên bao phim được bào chế quá to và khó uống, bạn có thể đề nghị đổi sang loại có hàm lượng thấp hơn để viên bao phim nhỏ hơn hoặc đổi hẳn sang loại khác có viên bao phim nhỏ hơn hoặc không có bao phim.
Khi dùng viên nén sủi bọt cần để cho viên thuốc tan hết rồi mới uống.
|
Uống khi thuốc chưa tan
Các thuốc được bào chế dưới dạng viên nén sủi bọt có ưu điểm hấp thu nhanh, tác dụng mạnh. Khi dùng cần cho thuốc hòa tan hoàn toàn trong nước rồi mới uống. Thao tác này đảm bảo cho thuốc được hòa tan hoàn toàn trong nước tạo một dung dịch đồng nhất cùng với dẫn chất làm cho thuốc được hấp thu dễ dàng. Nhưng nếu bạn lại coi nhẹ điều này, vội vàng dùng thuốc ngay cả khi thuốc chưa kịp tan hết, nghĩ vào trong bụng thuốc sẽ tan “nốt” thì đúng là bạn đang làm khổ cái dạ dày của mình.
Khi vào dạ dày, thuốc sẽ kết hợp với dịch vị và tạo thành các bóng khí CO2. Các khí này nếu hòa tan trong cốc nước thì chúng sẽ được thoát ra ngoài môi trường nhưng nếu chúng ở trong dạ dày thì không thể thoát ra được mà bị giữ lại trong bao tử. Hậu quả là thuốc có thể sẽ không được tan hết hoặc dạ dày sẽ bị trướng căng lên do hơi CO2.
Nếu bạn đang bị viêm dạ dày hay bệnh lý tá tràng thì sẽ làm trầm trọng thêm bệnh với triệu chứng là sẽ bị đau hơn. Vì vậy cần phải đợi cho thuốc tan hết, đến khi nào không còn bọt khí sủi lên và thuốc không còn một thể rắn nào trong cốc nước thì hãy uống. Nhớ đừng hòa tan ít nước quá thuốc khó tan hết nhưng cũng đừng hòa tan nhiều quá, bạn sẽ uống nước chứ không phải uống thuốc. Khoảng 100ml cho một viên 500mg là vừa.
Cần nhai nhưng lại uống cả viên
Lại bàn về các thuốc dạ dày. Có những thuốc cần nhai thì thuốc sẽ tác dụng như trường hợp của thuốc maalox. Đặc điểm của maalox là một hỗn hợp của bazơ có hoạt tính kiềm mạnh. Chúng sẽ đi vào dạ dày, nơi có nhiều axit, thực hiện phản ứng trung hòa để khử hết axit trong dạ dày. Vì thế, thuốc có tác dụng giảm đau trong bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.
Nhưng để có tác dụng hoàn hảo, bạn cần phải nhai vụn, nhai nát viên thuốc trong miệng rồi mới được uống. Đừng nghĩ rằng bác sĩ đang “vẽ” việc cho bệnh nhân làm. Mà đó là vì đảm bảo thuốc tạo thành một hỗn dịch hoàn toàn và vào đến dạ dày là phản ứng ngay. Thuốc cần phải tác dụng ngay ở trong dạ dày. Nếu để thuốc trôi xuống ruột thì kể như công toi.
Nhưng nếu vì một lý do nào đó, bạn không thực hiện lời bác sĩ dặn, cứ uống cả viên hoặc vì sợ “đắng” mà không nhai viên thuốc sẽ làm cho thuốc trung hòa axit rất chậm và bạn sẽ không hết đau như đúng liều thuốc kỳ vọng.
Cần uống chung, lại uống riêng
Nếu bạn đã từng phải dùng viên sắt thì bác sĩ cũng kê cho bạn thuốc đi kèm là vitamin C. Chắc chắn bác sĩ sẽ dặn đi dặn lại bạn là cần uống viên sắt cùng vitamin C. Lời dặn này là hoàn toàn có chủ ý. Bởi lẽ nếu như bạn uống viên sắt mà có kèm theo vitamin C thì có thể làm tăng lượng sắt hấp thu lên đến 20% so với cách uống thông thường.
Nhưng vì một sự cố nào đó như bạn không quen uống nhiều loại thuốc hoặc cho việc kết hợp thuốc lúc này chẳng liên quan thì bạn đang hết sức sai lầm, vì như thế sẽ làm giảm tác dụng của viên sắt mà không hề hay biết.
Tuy nhiên trên thực tế có những thuốc cần phải dùng cách nhau một thời gian để tránh sự tương tác thuốc nhưng có những thuốc cần phải uống cùng nhau mới có hiệu quả. Vì vậy, người bệnh hãy tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để có được tác dụng tốt nhất khi dùng thuốc.
BS.Yên Lâm Phúc
|