(SKDS) - Albendazol là một trong những thuốc dùng trong điều trị giun, sán (ký sinh trùng). Với liều thấp một lần duy nhất thì tính độc hầu như ít thể hiện, nhưng trong trường hợp phải điều trị với liều cao, kéo dài thì cần phải chú ý tới độc tính của thuốc này.
Khi nào thì phải dùng liều cao?
Ký sinh trùng tùy theo loại, có thể tồn tại phát triển ở cơ thể người tại ruột, máu, trong các mô, tổ chức, kể cả não, dưới các thể trứng, ấu trùng, con trưởng thành. Một vòng đời hoàn chỉnh của ký sinh trùng gồm một giai đoạn tồn tại phát triển ở người, còn giai đoạn khác lại tồn tại phát triển ở vật chủ. Albendazol có tác dụng diệt ký sinh trùng trong giai đoạn ở người tức là làm gián đoạn phá vỡ một phần vòng đời của ký sinh trùng. Sau đó nếu dự phòng tốt không bị nhiễm lại thì ký sinh trùng coi như không có trong người nữa.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
|
Đối với các loại như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim chỉ cần dùng liều thấp (một lần duy nhất) thì albendazol chỉ hấp thu vào máu 5% còn lại nằm trong đường ruột, tiêu diệt các thể của ký sinh trùng tại đó. Như vậy mới đạt mục tiêu điều trị. Trong trường hợp này, albendazol và chất trung gian (sulphoxid) hầu như có rất ít ở máu nên ít độc.
Trường hợp nhiễm giun lươn, ấu trùng sán lợn ở não, ấu trùng giun tròn ở chó mèo... thì phải dùng tới liều cao (gấp đôi), dài ngày (5- 21-30 ngày, tùy theo loại hoặc thể của ký sinh trùng) thì albendazol và chất chuyển hóa (sulfoxid) có nồng độ cao trong máu, đi vào các mô, các tổ chức, đi qua hàng rào máu não vào được não, tiêu diệt các thể ký sinh trùng tại đó mới đạt được mục tiêu điều trị. Trong trường hợp này, albendazol và chất trung gian (sulphoxid) có nồng độ cao ở máu, các mô, kể cả não nên gây ra các tác dụng phụ toàn thân, tại các tổ chức, kể cả ở não.
Độc tính và cách khắc phục
Khi gặp độc tính của albendazol do dùng liều cao, kéo dài toàn thân sẽ có biểu hiện sốt (sốt không cao nhưng kéo dài sau mỗi lần uống thuốc). Người bệnh không cần phải ngừng thuốc, song nên ăn chất mát, uống nhiều nước, tắm rửa sạch sẽ, mặc và ở nới thoáng mát sẽ nhẹ bớt cảm giác bứt rứt. Có thể nổi mày đay toàn thân (những người quá mẫn cảm với thuốc không nên dùng đặc biệt là dùng dài ngày).
Ngoài ra, người bệnh còn thấy nhức đầu, chóng mặt, tăng áp suất nội sọ và có thể ảnh hưởng tới võng mạc tuy rất hiếm. Dù biết vậy nhưng cũng có lúc vẫn phải dùng (như trong điều trị ấu trùng sán lợn có tổn thương ở não). Trong trường hợp này, cách khắc phục là nên dùng thêm corticoid (tiêm tĩnh mạch hay uống) và thuốc chống co giật (ngăn cơn tăng áp suất nội sọ). Riêng với võng mạc, cần xem xét võng mạc trước và cân nhắc có dùng hay không tùy theo giữa lợi ích và nguy cơ...
Khi ăn nhiều chất béo (mỡ), nồng độ albendazol và chất trung gian trong máu tăng lên gấp 2-4 lần, sẽ gây độc nhiều hơn. Cần tránh ăn nhiều chất béo khi dùng thuốc, đặc biệt khi dùng dài ngày.
Vì những nguy cơ gây độc này, nên khi quyết định dùng thuốc liều cao hoặc dài ngày cần hết sức thận trọng. Khi có kết quả xét nghiệm và lâm sàng xác định chắc chắn có nhiễm loại (thể) ký sinh trùng trên mới được dùng liều cao và kéo dài và cần phải theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời các tai biến (nếu có).
DS.Bùi Văn Uy
|