(SKDS) - Đau nửa đầu (Migraine) là bệnh phổ biến, hay gặp ở lứa tuổi trưởng thành, nữ bị nhiều gấp 3 lần nam, bệnh có tính chất gia đình, đau thường biểu hiện khu trú ở một bên đầu, cơn xảy ra bất kỳ khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng lo lắng, giảm sút nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Mặc dù chưa có phương pháp điều trị bệnh đau nửa đầu triệt để nhưng có nhiều thuốc giúp giảm mức độ nặng và tần suất cơn đau đầu. Một phương pháp điều trị đúng kết hợp với các phương pháp thay đổi lối sống có thể đạt được hiệu quả tốt.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
|
Khi bị cơn đau nửa đầu hành hạ, người bệnh cần dùng ngay thuốc nào để cắt cơn? Thuốc giảm đau nên được sử dụng ngay khi mới xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng Migraine. Các thuốc giảm đau thuộc nhóm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, aspirin đường uống có tác dụng giảm cơn đau mức độ nhẹ, nên dùng phối hợp cùng thuốc chống nôn như metoclopramide (10mg) hay domperidone (10mg).
Lưu ý dùng thuốc giảm đau không steroid kéo dài có thể gây loét dạ dày - tá tràng, chảy máu tiêu hóa. Mặt khác, không dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi, không dùng metoclopramide cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, để hạn chế các cơn đau nửa đầu, người bệnh cần tuân thủ một liệu trình điều trị đầy đủ của bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Đồng thời cần chú ý đến chế độ ăn, hạn chế một số loại thức ăn, đồ uống có chứa tyramin (có thể là yếu tố khởi phát cơn Migraine) như pho-mát, sôcôla, rượu vang chát đỏ, tránh các chất phụ gia thực phẩm như mỳ chính, đường hóa học.
BS.Nguyễn Thế Anh
|