Qua thực tiễn việc điều trị bệnh vảy nến tại khoa Da liễu Bệnh viện Trung ương Huế cho thấy các kiến thức đúng về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh, điều trị bệnh vảy nến, chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân vảy nến chưa được bệnh nhân và người nhà hiểu đúng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho bệnh tình kéo dài và ngày càng trầm trọng. Bài viết này nhằm giúp cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu đúng hơn khi điều trị, chăm sóc bệnh này.
1. Khái quát về bệnh vảy nến
Vẩy nến là một bệnh ngoài da thường gặp, trong 6 tháng đầu năm 2012 số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa Da Liễu, bệnh viện Trung ương Huế lên đến 380 bệnh nhân. Đây là một loại bệnh mà cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Thương tổn thường xuất hiện trên da gây mặc cảm cho người bệnh bởi nó tác động trực tiếp đến tâm lý, thẩm mỹ và những hệ lụy khác. Hiểu được bệnh, duy trì bệnh ở trạng thái tốt nhất, giới hạn các biến chứng từ việc điều trị đúng cách bác sĩ chọn thuốc, bệnh nhân kiên trì điều trị thì sẽ mang lại chất lượng cao hơn cho cuộc sống của người bệnh.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh có yếu tố di truyền, nhiễm khuẩn, stress, thuốc, thương tổn mọc lên sau các kích thích cơ học như gãi, chà xát hoặc các kích thích lý hóa có thể là nguyên nhân sinh bệnh vảy nến.
3. Triệu chứng
Bệnh vảy nến bao gồm nhiều thể:
* Thể giọt: Các thương tổn gờ lên khỏi mặt da kích thước nhỏ khá đồng đều.
* Thể mảng: Các mảng đỏ có giới hạn với vùng da lành khi đè lên thì màu đỏ biến mất.
* Thể đỏ da toàn thân: Trong trường hợp nặng bệnh lan rộng toàn thân thường kèm theo sốt, rối loạn điện giải.
* Thể mủ: Thương tổn mọc lên những mụn mủ tạo thành từng đám hay lan rộng toàn thân không có vi khuẩn nhưng triệu chứng toàn thân rất rầm rộ như sốt cao, rối loạn điện giải, đau nhức toàn thân…
* Thể khớp: Các khớp đau trong trường hợp nhẹ nếu nặng khớp biến dạng trở nên tàn phế.
* Thể móng: Móng có thể dày lên cũng có thể bi hư và bị ăn khuyết dần hoặc phiến móng trở nên gồ ghề xù xì có màu ngà vàng.
4. Điều trị
Bác sĩ thường kê đơn các thuốc giúp giảm triệu chứng ngứa, lo âu, thuốc nâng tổng trạng... Thuốc đặc trị cân nhắc cho các trường hợp nặng: biến chứng khớp, vảy nến mủ, đỏ da toàn thân.
5. Phòng bệnh
Việc phòng bệnh thường chỉ nhằm ngăn chặn sự trầm trọng của bệnh hơn là ngăn bệnh không xảy đến với người bệnh. Vì vậy, tìm hiểu cách sống chung với bệnh là một việc cần thiết giúp người bệnh cảm thấy dể chịu hơn.
6. Chế độ sinh hoạt
Vảy nến là một trong những bệnh về da khó chữa hết hẳn. Điều này gây chán nản trong tâm lý người bệnh và làm họ căng thẳng mà càng căng thẳng, càng âu lo, buồn bực thì bệnh càng nặng. Bởi vậy bệnh nhân nên xây dựng lối sống lành mạnh.
- Hiểu được tinh thần sống chung với bệnh một cách lạc quan;
- Biết cách chế ngự căng thẳng;
- Giữ sức khỏe tốt, rèn luyện thể lực, tập thể dục điều đặn;
- Ngủ sớm, ngủ đủ giấc 6-8 giờ/ngày;
- Tắm mỗi ngày để loại bỏ vảy bám trên da bằng dung dich thuốc tím 1/10.000;
- Lau da nhẹ nhàng tránh gây tổn thương làm bệnh nặng hơn để hạn chế tái phát;
- Thoa kem giữ ẩm cho da khi bệnh đã thuyên giảm;
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu người bệnh phải trị đồng thời nhiều bệnh với nhiều thuốc uống cùng lúc;
- Điều trị bệnh vảy nến ngay từ khi thương tổn da còn ít theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
* Bệnh nhân cần tránh làm những việc sau:
- Xúc động mạnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe;
- Cào gãi, chà xát tổn thương da lan rộng;
- Tránh côn trùng cắn, nhiễm vi khuẩn và virus, cháy nắng;
- Tự điều trị theo mách bảo hoặc dùng đi dùng lại đơn thuốc đã đỡ bệnh trước đây mà không qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa;
- Tắm nước quá nóng, xà bông quá mạnh làm da thêm khô, ngứa điều này có thể làm nặng thêm tình trạng khô da tróc vẩy;
- Không hút thuốc, hạn chế rượu, vì độ cồn và khói thuốc lá, là đòn bẩy cho phản ứng thoái biến các loại chất đạm có tác dụng sinh dị ứng. Hơn nữa, tiến trình giải độc rượu của gan bị trì trệ rất nhiều ở người có cơ địa vảy nến.
7. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh vảy nến
* Uống nhiều nước khoảng từ 4-5 lít ngày (uống gấp đôi người bình thường).
* Ăn đầy đủ dưỡng chất thức ăn giàu đạm vì người có bệnh thường bị mất đạm qua lượng vảy bong ra hàng ngày.
- Ăn nhiều cá biển vì trong cá biển có nhiều omega-3 như cá hồi, cá thu, cá basa… Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu dùng 150g mỗi ngày trong nhiều ngày liên tục có thể giảm lượng thuốc corticosteroid đến một nửa mà không mất hiệu năng của thuốc nhờ omega-3 có tác dụng ức chế các chất sinh viêm trong bệnh vảy nến như leucotrien 3 và 5.
- Nghêu, sò: cung ứng kẽm, khoáng tố tối cần thiết không chỉ cho da mà cho sức đề kháng của cơ thể.
- Mè đen: vừa chứa dầu béo có cấu trúc tương tự omega-3, vừa cung cấp sinh tố E cần thiết cho lớp sợi liên kết (collagen) dưới da.
- Rau quả: có nhiều beta-carotin và acid folic như trái bơ, cà rốt, bông cải xanh và đặc biệt là xoài để bảo vệ cấu trúc mong manh của da, đồng thời là tác nhân sinh học giữ vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể. Chất này lại rất dễ thiếu trong bệnh vảy nến.
Trên đây là những thức ăn giàu năng lượng, đạm mà bệnh vảy nến được dùng và nên dùng thường xuyên để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, đường, sữa, trứng, thịt là loại thức ăn giàu năng lượng, đạm nhưng bệnh nhân vảy nến không nên dùng hoặc chỉ dùng hạn chế vì những thức ăn này chứa nhiều arachidon là chất xúc tác cho phản ứng viêm tấy không chỉ ngoài da, mà trong khớp, trên thần kinh ngoại biên.
8. Kết luận
Bệnh vảy nến ở từng bệnh nhân được xử trí theo những cách khác nhau. Tuy không điều trị hết hẳn nhưng việc trị liệu sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp thuyên giảm các triệu chứng ngoài da, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó chữa như tổn thương khớp, vẩy nến thể mủ hoặc bệnh cảnh đỏ da toàn thân. Không những thế, trị liệu đúng cách còn giúp bệnh nhân giới hạn được các tác dụng phụ do thuốc gây ra bởi vậy bệnh nhân nên biết rõ bệnh của mình và tìm cách tránh các yếu tố làm nặng thêm bệnh. Thảo luận với bác sỹ về tiền sử, bệnh sử và tình trạng hiện tại của mình. Thông báo cho bác sỹ về tất cả các thuốc, dược thảo, vitamin, đã hoặc đang dùng và những dị ứng thuốc hoặc tác dụng phụ với thuốc.
Nên tuân thủ đúng chế độ điều trị vì tuân thủ không tốt là nguyên nhân thường thấy trong những trường hợp có kết quả điều trị không hiệu quả. Nhiều bệnh nhân từ bỏ những phương pháp điều trị hiệu quả vì sợ những tác dụng phụ. Tuy nhiên tất cả các phương pháp điều trị đều được theo dõi thì những tác dụng phụ có thể được hạn chế hoặc loại bỏ sớm.
Vẩy nến là một bệnh lý kéo dài nên cần sẵn sàng cho việc điều trị dài hạn.
Không nên xa rời các quan hệ trong cuộc sống như gia đình, bạn bè, thú vui và tránh để bệnh vẩy nến ám ảnh. Điều trị vảy nến cần có thời gian nên hãy để cuộc sống tiếp tục tự nhiên bằng cách cố gắng tìm kiếm sự cân bằng và hoà đồng vào cuộc sống sinh hoạt bình thường như mọi thành viên trong xã hội.
Minh Thúy.CHITI
Theo Trương Thị Hương
Khoa Da Liễu, Bệnh viện Trung ương Huế