(SKDS) - Ngày nay, việc con người cần ăn đủ chất được đề cập nhiều và bữa ăn giàu chất xơ được các nhà khoa học khuyến khích hơn bao giờ hết. Từ việc dùng chất xơ làm thức ăn chính, thức ăn bổ sung đến việc đưa ra những chế độ ăn giàu chất xơ. Nguồn cung cấp chất xơ duy nhất cho cơ thể là từ các loại rau quả, đậu, hạt, ngũ cốc.
Có mấy loại chất xơ?
Chất xơ là một thành phần của thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà cơ thể không tiêu hóa được. Chất xơ được chia làm hai loại: tan và không tan.
Chất xơ tan có khả năng hòa tan trong chất lỏng vào đường ruột dưới dạng gel. Có trong các loại rau lá, trái cây có độ nhớt cao (rau đay, mồng tơi, lá thanh long…) và một số loại đậu (đậu nành, đậu ngự).
Chất xơ không tan thì không hòa tan với chất lỏng khi vào đường ruột. Nguồn thực phẩm có chứa chất xơ không tan gồm vỏ các loại thực phẩm (gạo lứt, lúa mì, lúa mạch nguyên vỏ, một số loại rau, quả, củ).
Chất xơ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Ảnh: MH
|
Tác dụng của chất xơ
Trước tiên, chất xơ tan tạo cảm giác no lâu (phòng chống được béo phì), phòng tiêu chảy và các rối loạn đường tiêu hóa do loạn khuẩn, đồng thời góp phần làm giảm cholesterol trong máu. Chất xơ tan còn là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi ở đường ruột, gắn kết với các acid mật trong ruột làm giảm nhũ tương hóa chất béo của thức ăn (làm dễ tiêu), thẩm thấu, nối kết với các cholesterol và thải trừ chúng ra khỏi cơ thể.
Chất xơ không tan giúp hạn chế sự tăng đường máu sau khi ăn ở bệnh nhân đái tháo đường, phòng chống tăng cholesterol trong máu và phòng chống ung thư trực tràng. Khi vào đường ruột, chất xơ không tan giúp tạo khối phân, kích thích trực tràng hoạt động nhẹ nhàng, chống táo bón. Cũng giống như chất xơ tan, chất xơ không tan cũng góp phần giữ nước khối thực phẩm khi di chuyển, tăng khả năng lên men của vi khuẩn ở ruột già, đồng thời ngăn cản sự hấp thu các độc chất có trong thức ăn…
Mỗi người nêntiêu thụ trung bình 25 - 30g chất xơ mỗi ngày.
Lượng chất xơ có trong 100g thực phẩm
- Nhóm thực phẩm giàu chất bột đường: Kê (3,4g), gạo lứt (2,45), củ sắn dây (9,2), bột sắn dây (0,8), củ dong (2,4), miến dong (1,5), khoai lang (1,3), gạo tẻ giã tay (0,7), gạo tẻ máy (0,4), gạo nếp (0,6), khoai môn, khoai sọ, khoai tây (1,2), cám (0,6), bột mì (0,3), đậu Hà Lan (6), đậu xanh, đậu nành (4,5), đậu đũa (4,3), đậu đen (4), đậu trắng (3,6), đậu cô ve (3,5), vừng (3,5), lạc (2,5).
- Trong các loại rau củ thường dùng: Rau má (4,5), rau ngót, mồng tơi (2,5), rau dền, rau đay (1,6), rau lang (1,4), rau muống (1), rau sam (0,7), cải cúc, cải xoong (2), cải thìa, cải xanh (1,8), cần ta, cần tây (1,5), củ cải trắng (1,8), cà pháo (1,6), cà bát, cà tím (1,5), cà rốt (1,2), bầu, bí (1), cà chua (0,8), bí đỏ (0,7).
- Trong một số loại trái cây: Ổi (6), dâu tây (4), vú sữa (2,3), thanh long (1,8), cam, sầu riêng (1,4), mít (1,2), vải (1,1), nhãn (1), chuối tiêu, dứa, mãng cầu (0,8), bưởi, táo (0,7), đu đủ chín, quít, lê, nho (0,6), dưa hấu (0,5).
Bác sĩ Minh Ngọc
|